Lý do đàn ông "ngại" kết hôn

“Con người tốt nhất đừng kết hôn, không có hôn nhân thì không có tòa án và nhà tù” (triết gia Osho). Vì sao đàn ông thờ ơ với hôn nhân?

Chỉ để có một không gian riêng tư, những bữa ăn ngon? Nhà hàng có thể đáp ứng. Những bữa điểm tâm ở đó luôn ấm nóng, sang trọng và yên tĩnh, đầy đủ thực đơn cho các ông lựa chọn.

Bữa trưa và tối thì không hẳn cho gia đình, mà đa phần diễn ra ở công ty hoặc với đối tác.

Người bạn? Đàn ông không cần tình bạn từ kết hôn. Những người bạn khác phái có thể trở thành bạn như thư ký, trợ lý, đồng nghiệp…

Những đứa trẻ? Ngày nay, họ vẫn có thể có con mà không cần phải ràng buộc với một ai đó.

Vậy đàn ông cần gì? Phải chăng chỉ có phụ nữ mới cần hôn nhân?

hôn nhân

Tôi suy ngẫm từ tôi. Ngày xưa vì sao tôi kết hôn. Tình yêu, phải rồi. Hồi đó cứ nghĩ yêu là vĩnh viễn, mà đâu ngờ nó tắt ngúm sau khi kết hôn. Hồi đó cứ khát khao người đàn ông ấy, ngày nào cũng gặp nhưng vẫn nhớ, gặp nhau hoài vẫn không đủ, vậy là kết hôn, chỉ để ngày ngày được nhìn thấy nhau. Nhưng, về sống với nhau mới thấy... ác mộng.

Thế cho nên, “Hãy cứ là tình nhân” để hai con người đấy cứ mãi nhìn thấy nhau trong hình ảnh đẹp đẽ, ngày nào cũng mới.

Đàn ông, ở góc độ nào đó, trở thành chồng hoặc cha như là... một sự cố.

Tôi vẫn nhớ câu chuyện cách đây 10 năm. Một cô bé đồng nghiệp cũ đi làm rất giản dị, vì công việc không cần gặp gỡ ai. Bữa đó bạn trai cô gọi, hẹn cô ở khách sạn sang trọng. Cô lật đật chạy đến, trong bộ dạng không thể nào lôi thôi hơn vì tay xách cà men cơm, chân đi dép lê. Chuyện gì xảy ra hôm đấy? Chàng trai cầu hôn.

Chuyện hôm sau lan truyền tốc độ chóng mặt ở cơ quan. Chị gái chàng trai ấy gào lên: “Nó có bị khùng không?”, còn những nàng sồn sồn như tôi thì: “Tối nay nhất định về hỏi chồng, sao hồi đó mình không được cầu hôn?”.

Chồng tôi ngơ ngác: “Sao hồi đó mình cưới nhỉ, là em lừa anh à?”. Tôi phản ứng: “Này này, ai thề thốt và quỳ dưới chân tôi trong lễ cưới?”. “Ôi, đêm đó anh say, lũ bạn anh nó xô anh suýt té, quỳ được là may…”

Và phụ nữ, dù châu Á hay châu Âu thì vẫn luôn mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Chả thế nên mới có chuyện nhiều cô ngất xỉu vì nhận được cầu hôn, các cô gái khác thì mừng rú lên khi bắt được hoa của cô dâu trong tiệc cưới.

Sau khi kết hôn được vài năm, đi dự tiệc cưới tôi không còn ước mình là cô dâu nữa. Có lần ngồi bên anh bạn mới ly hôn, đang trong mạch chuyện, tự dưng cả hai cùng thốt lên: “Có gì ở đám cưới mà gọi là song hỷ”… 

Phim hài Mỹ hay nói về chủ đề này. Anh chàng kia vào quán cà phê, gặp cô gái đẹp và mon men tán tỉnh “Em đang đọc cuốn gì vậy?”; “À, tạp chí, có bài bí quyết tìm "người đàn ông đích thực", em hy vọng ngày này năm tới em gặp được chàng”… Chàng trai lẳng lặng rút êm.

Đàn ông, nếu đã ly hôn, ít ai dám “mắc lại sai lầm”. Tôi có người bạn Pháp, chưa quá già nhưng cứ lủi thủi một mình. Hôm bị ốm nặng, tôi đến thăm: “Bạn gái đâu?”, bạn chỉ vào con voi bằng bông trên giường: “Cô ấy đấy, luôn im lặng, nhu mì và dễ thương”.

Khi tôi có nhã ý mai mối ai đó, bạn giãy nảy: “Không, không muốn vô tù nữa đâu”.

Theo các chuyên gia tâm lý, khi xem hai hình ảnh bên bờ biển, một là cặp đôi đang chụp hình cưới, hai là người đàn ông đang câu cá đằng xa, đàn ông luôn đưa ra đáp án, người câu cá mới là người hạnh phúc.

Phải rồi, sau kết hôn người đàn ông phải gánh lên vai vô số nghĩa vụ, có con, làm trụ cột gia đình… chẳng còn những tháng ngày tự do như xưa.

Nhưng sâu bên trong, bản năng của họ vẫn là thích chinh phục, thích cái mới. Nên nếu chẳng may họ tự một lần cho phép mình làm đúng bản năng thì “giàn thiên lý đổ” ngay.

Đến lúc này mới thấy tờ giấy hôn thú, những đứa con, những ràng buộc xã hội chẳng thể níu chân được họ…

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.