Facebook thú nhận đã chia sẻ dữ liệu người dùng với 52 công ty công nghệ

Tới lúc này, việc Facebook chia sẻ dữ liệu người dùng với các nhà sản xuất phần cứng và phần mềm trong vai trò đối tác là điều không mới. Tuy nhiên, những thông tin chi tiết ngày càng được tiết lộ cụ thể và minh bạch hơn. 
facebook

Mới đây, trong tài liệu dài 747 trang gửi tới Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã mô tả chi tiết các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu với những đối tác khác. Theo đó, Facebook hiện chia sẻ thông tin người dùng với tổng cộng 52 doanh nghiệp, bao gồm cả các công ty Trung Quốc, như Alibaba, Huawei, Lenovo và Oppo.

Tuy nhiên, tới nay Facebook cũng đã chấm dứt hợp tác với 38 đơn vị (trong đó một số trường hợp là do các đơn vị này thay đổi cơ chế hoạt động, như HP/Palm hay Inq). Các tài liệu cũng chỉ ra 7 thỏa thuận sẽ hết hạn vào tháng 7-2018, trong khi một thỏa thuận khác sẽ chấm dứt vào tháng 10 tới. 

Facebook cho biết, có ba thỏa thuận sẽ được duy trì, trong đó có Apple và Amazon. Về phần mình, Tobii cũng cần khai thác các dữ liệu này để phát triển ứng dụng theo dõi mắt nhìn, cho phép các bệnh nhân xơ teo cơ một bên (ALS) có thể truy cập Facebook. Ngoài ra, Alibaba, Mozilla (đơn vị phát triển trình duyệt Firefox), Opera... đều cần truy xuất dữ liệu nhằm cho phép người dùng sử dụng cơ chế nhận thông báo ngay trong trình duyệt (nhưng không yêu cầu truy cập tới dữ liệu của bạn bè). 

Trước đây, Facebook cũng từng cho phép 61 nhà phát triển ứng dụng khai thác dữ liệu thêm 6 tháng kể từ sau thời điểm siết chặt kiểm soát vào năm 2014, trong đó có cả Hinge và Spotify. 

Mặc dù những mối hợp tác như trên chủ yếu nhằm tạo ra những dịch vụ tốt hơn cho người dùng và cơ bản không mang ý đồ xấu, nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng, Facebook thu thập nhiều thông tin hơn sự cho phép của người dùng, theo quy định của Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC), vốn yêu cầu các trang web phải nêu rõ mục đích và xin phép người dùng trước khi thu thập dữ liệu. Trong báo cáo, Facebook cũng khẳng định, các đối tác của mình là nhà cung ứng dịch vụ, không phải là bên thứ ba, đồng thời tuyên bố mạng xã hội này không vi phạm quy định của FTC. 

Tài liệu lần này được gửi tới Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ nhằm giải đáp những câu hỏi mà Mark Zuckerberg chưa thể trả lời ngay trong các phiên điều trần. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, những câu trả lời chưa thực sự rõ ràng về mọi mặt. Một ví dụ là theo Washington Post, Facebook chưa giải thích vì sao không kiểm tra các ứng dụng như "thisismydigitallife" mà Cambridge Analytica đã sử dụng trong bê bối, hay không cân nhắc thu phí thay vì hiển thị các quảng cáo.... 

Nhìn chung, tài liệu mà Facebook đưa ra trong lần này có ý nghĩa tích cực về mặt minh bạch hóa các điều khoản của họ, nhưng chưa thực sự đem tới sự hài lòng về việc giải thích chính xác các phương thức khai thác, quản lý và sử dụng dữ liệu người dùng.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.